ANZ: Việt Nam có cán cân thanh toán cân bằng nhất châu Á



Báo cáo tháng 3/2012 của ANZ về tình hình kinh doanh tại các nền kinh tế mới nổi cho thấy những kết quả trái ngược, đặc biệt là với những nền kinh tế lớn của khu vực.

Các nền kinh tế mới nổi tại châu Á vốn nhiều năm nay luôn duy trì thặng dư cán cân thanh toán lớn do mô hình kinh tế với tỷ lệ tiền tiết kiệm trên thu nhập ở mức cao. Một mức thặng dư cao tại khu vực này đòi hỏi thâm hụt từ các khu vực khác, chủ yếu là từ nền kinh tế Mỹ, nhằm đạt được cân bằng toàn cầu.

Thật vậy, dữ liệu công bố bởi ANZ ngày 2/4 cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của khu vực đã sụt giảm đáng kể từ con số 533 tỷ USD trong năm 2007 xuống còn 333 tỷ USD trong năm 2011. Tỷ lệ thặng dư trên GDP thậm chí còn ấn tượng hơn, từ 7% năm 2007 xuống còn 2,5% trong năm 2011.

Năm vừa qua cũng là một năm ấn tượng với Việt Nam khi cán cân tài khoản vãng lai được duy trì ở mức khá cân bằng, thặng dư 200 triệu USD, và chỉ chiếm 0,1% GDP, con số thặng dư thấp nhất trong số các nền kinh tế được báo cáo.

 

Các thông tin trên là một dấu hiệu tốt khi khu vực châu Á đang đóng góp vào công cuộc thu hẹp sự mất cân bằng toàn cầu, tuy nhiên lý do ẩn dưới sự cải thiện này có thực sự tích cực?

 

Trong báo cáo, ANZ loại bỏ các yếu tố liên quan tới dòng thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài hay dòng vốn tài trợ giữa các chính phủ. Vì vậy, để đơn giản, nhóm thực hiện báo cáo đã sử dụng công thức cán cân thương mại để chỉ cán cân tài khoản vãng lai.

CA = X - M = S - I

Trong đó:

CA: cán cân tài khoản vãng lai

X: xuất khẩu

M: nhập khẩu

S: tiết kiệm trong nền kinh tế

I: đầu tư ra nước ngoài

Nếu tiếp cận cán cân thanh toán từ phía tiết kiệm – đầu tư, thặng dư tài khoản vãng lai có thể giảm nhờ 2 lý do: tiêu dùng tăng cao (điều cần thiết cho hầu hết các nền kinh tế châu Á) hoặc tăng đầu tư ra nước ngoài (một kịch bản ít được mong đợi hơn).

 

 

Biểu đồ trên cho thấy 5 quốc gia đang ở những góc phần tư hợp lý là: Hồng Kông (tài khoản vãng lai giảm và tiêu dùng nhiều hơn), Indonesia và Philippines (tài khoản vãng lai ổn định, đầu tư nhiều hơn), Hàn Quốc (cả tài khoản vãng lai, tiêu dùng và đầu tư đều ổn định), Việt Nam (cả tài khoản vãng lai lẫn đầu tư đều tăng, chứng tỏ tiết kiệm trong nước vẫn tăng mạnh hơn mức tăng đầu tư ra nước ngoài).

 

Trung Quốc và Ấn Độ tuy đều có thặng dự thương mại, song đầu tư ra nước ngoài lại tăng mạnh hơn tiêu dùng trong nước, cho thấy ngày càng ít cơ hội đầu tư và tạo lợi nhuận tại 2 nước này. Báo cáo của ANZ chỉ ra rằng việc có những lệch lạc trong thay đổi tài khoản vãng lai của hai nền kinh tế lớn của khu vực cho thấy còn rất nhiều điều cần làm để đưa tăng trưởng kinh tế khu vực theo hướng ổn định, an toàn và bớt phụ thuộc hơn, dựa trên cơ sở tiêu dùng nội địa.

Trong báo cáo, ANZ cũng dự báo lãi suất tái cấp vốn của Việt Nam sẽ được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 14% trong tháng này, sau khi vừa cắt giảm 1% vào giữa tháng Ba, sau đó giảm dần xuống 11% vào cuối năm và duy trì ở 10% trong nửa đầu năm 2013.

ANZ dự báo mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn khi GDP quý I/2012 chỉ tăng 4%, Việt Nam vẫn sẽ đảm bảo tăng trưởng GDP từ 5,5-6% cho cả năm.

 

Nhập khẩu trong tháng 3/2012 chỉ tăng 5,0% trong khi xuất khẩu tăng 22,9%, đem lại một mức thâm hụt nhỏ, khoảng 150 triệu USD. Tính cho cả quý I năm nay, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều giảm so với quý IV/2011, thâm hụt thương mại ở mức trung bình 257 triệu USD, thấp hơn rất nhiều mức thâm hụt trung bình gần 2 tỷ USD mỗi quý đã được duy trì trong một thời gian dài. Thâm hụt thương mại nhỏ cũng sẽ hứa hẹn củng cố sự ổn định của tỷ giá tiền đồng.

 

Minh Quang

Theo TTVN/ANZ